Tỉnh Đắk Nông có kế hoạch tái canh, trẻ hóa toàn bộ diện tích cà phê già cỗi, thoái hóa. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh sẽ “làm mới” hơn 17.800 ha.
Gia đình ông K’Bem, xã Quảng Sơn (Đắk Glong), có gần 1,5 ha cà phê trồng từ năm 2001. Đến nay, vườn cây đã già cỗi, năng suất thấp.
Đầu năm 2020, thông qua Chương trình tái canh cà phê của địa phương, ông được hỗ trợ chồi ghép để phục hồi vườn cây. Ông còn được cấp phân bón, hướng dẫn kỹ thuật ghép chồi, cắt cành, tỉa cành, bón phân, quản lý cỏ dại…
Ông K’Bem cho biết: “Cà phê tái canh phát triển tốt. Vụ thu hoạch vừa qua, mặc dù vườn cà phê mới cho thu bói, nhưng năng suất khá cao”.
Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Thanh, thôn 10, xã Nam Bình (Đắk Song), cũng có gần 2 ha cà phê trồng bằng giống cũ, già cỗi, nên năng suất không cao. Do đó, bà quyết định tái canh toàn bộ vườn cây bằng hình thức trồng mới.
Theo bà Thanh, để thực hiện tái canh, bà đã tiến hành đầy đủ các khâu về cày đất, rà rễ, phơi đất, bón lót bằng phân chuồng hoai mục kết hợp phân lân, vôi. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, nên vườn cà phê phát triển tốt.
Đến nay, vườn cà phê của gia đình bà Thanh bước vào năm thứ 6, cây phát triển khỏe, tỷ lệ cành phủ cao. Bà Thanh cho hay: “Năm vừa rồi bước vào thu hoạch chính, vườn cà phê đạt năng suất 4 tấn/ha, cao hơn 1,5 tấn so với lúc chưa tái canh”.
Ông Vũ Ngọc Dương, Chủ tịch UBND xã Nam Bình cho biết, trong thời gian qua, địa phương đã khuyến cáo người dân tái canh các diện tích cà phê già cỗi, năng suất kém.
Việc tái canh cà phê trên địa bàn được giám sát chặt chẽ. Trong đó, nguồn giống cà phê bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ đạt 100% diện tích.
Cụ thể, người dân chủ yếu sử dụng các loại giống cà phê TR4, TR8, TR9… để tái canh. Các loại giống này đều do Viện Kho học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cung ứng.
Theo Sở NN – PTNT tỉnh Đắk Nông, năm 2023, dự kiến toàn tỉnh sẽ thực hiện tái canh trên 3.559 ha cà phê. Trong đó, trồng mới là 2.673 ha, ghép cải tạo 886 ha.
Advertisement
Ông Trần Văn Cường, nông dân xã Thuận An (Đắk Mil) cho biết, tái canh cà phê đòi hỏi phải thực hiện bài bản, theo quy trình kỹ thuật mới đem lại hiệu quả.
Để chuẩn bị tái canh cà phê, người trồng phải nhổ vườn cây cũ, trục gốc, phơi đất, bón vôi để nâng cao độ pH, đào hố, xử lý nấm, tuyến trùng…
Trong 2 năm đầu, bà con không luân canh mà thực hiện xen canh với cây hoa màu trong vườn cà phê để cải thiện thu nhập, bảo đảm cuộc sống.
Từ kết quả tái canh cà phê trong những năm qua, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng kế hoạch tái canh, ghép cải tạo cà phê giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, tổng diện tích cà phê sẽ được tái canh của giai đoạn này là 17.892 ha. Trong đó, diện tích trồng mới là 13.409 ha, ghép cải tạo trên 4.482 ha.
Mục tiêu của tỉnh Đắk Nông là tập trung cải tạo, thay thế diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, sâu bệnh. Từ đó, tỉnh nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, gia tăng thu nhập cho người dân.
Đến năm 2025, Đắk Nông phấn đấu nâng năng suất cà phê bình quân chung của tỉnh đạt từ 2,8 – 3 tấn/ha, sản lượng tăng bình quân 8.000 tấn/năm. Thu nhập của nông hộ sản xuất cà phê sau khi tái canh tăng ít nhất 1,5 lần so với trước khi chưa tái canh.
Xem thêm: