Lo ngại rủi ro tăng cao trước khả năng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trở lại khiến các quỹ và đầu cơ dịch chuyển dòng vốn đi tìm kiếm các thị trường có mức lợi nhuận hấp dẫn hơn làm giá cà phê hai sàn kỳ hạn tiếp tục suy yếu…
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London hiệu chỉnh phiên thứ ba liên tiếp. Kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 10 USD, xuống 3.020 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm 7 USD, còn 2.964 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng hiệu chỉnh. Kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 0,70 cent, xuống 179,60 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm 0,25 cent, còn 178,80 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm nhẹ, dao động trong khung 81.700 – 82.600 đồng/kg.
Giá cà phê kỳ hạn trên cả hai sàn thế giới tiếp tục suy yếu sau lo ngại khô hạn ở Brasil đã giảm bớt. Somar Met. báo cáo hôm qua các vùng trồng cà phê Arabica chính ở miền nam Brasil trong tuần qua đã nhận được lượng mưa trên mức trung bình lịch sử. Trong khi đó, giá cà phê Robusta tiếp tục sụt giảm sau báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết xuất khẩu cà phê trong tháng 1 đã tăng tới 67,45% so với cùng kỳ đã gây áp lực lên giá kỳ hạn London khiến các quỹ và đầu cơ cắt giảm đáng kể vị thế ròng đang nắm.
Theo các nhà phân tích, giá cà phê kỳ hạn suy yếu trở lại do thị trường thất vọng về khả năng Fed – Mỹ trì hoãn việc cắt giảm lãi suất tiền tệ sau dữ liệu báo cáo các chỉ số kinh tế vẫn tăng trưởng vững mạnh trong tháng 1.Trong khi đó, bất chấp khu vực Eurozone báo cáo lạm phát đã suy giảm xuống dưới mức 3%. Lo ngại khả năng lạm phát Mỹ sẽ tăng trở lại khiến nhà đầu tư Phố Wall dịch chuyển dòng vốn vào chứng khoán và trái phiếu kho bạc dài hạn làm giá cả hàng hóa nói chung rơi vào thế bất lợi, giá cà phê cũng không ngoại lệ. DXY giảm 0,23% đã kéo tỷ giá đồng Reais giảm xuống ở mức 1 USD = 4,9809 R$ đã khuyến khích người Brasil đẩy mạnh bán các loại hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của họ như cà phê, đậu nành, đường ăn.
Sau nhiều lần bị trì hoãn, Bờ Biển Ngà, quốc gia sản xuất Robusta lớn ở Tây Phi đã báo cáo xuất khẩu cà phê trong tháng 11/2023 đã giảm 83,98% so với cùng kỳ năm trước, đưa xuất khẩu cà phê trong hai tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2023/2024 chỉ đạt tổng cộng 50.183 bao, giảm 120.833 bao, tức giảm 70,65% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Anh Văn (giacaphe.com)