“Khoác áo mới” cho hồ Lắk

Hồ Lắk – điểm du lịch tiềm năng ở Đắk Lắk với cảnh đẹp tự nhiên, văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên. Hạ tầng đang được đầu tư, đưa huyện Lắk trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh.


Hồ Lắk – Di tích thắng cảnh quốc gia với tiềm năng du lịch phát triển

Cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột khoảng 50 km theo hướng đông nam, di tích thắng cảnh quốc gia hồ Lắk (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) không chỉ có giá trị về thủy lợi, thủy sản, mà còn có tiềm năng rất lớn về phát triển du lịch văn hóa, sinh thái.

Hồ Lắk là hồ tự nhiên lớn thứ hai Việt Nam sau hồ Ba Bể, với diện tích hơn 600 ha. Xung quanh hồ được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh, mặt nước hồ quanh năm phẳng lặng. Nằm tiếp giáp với hồ Lắk là Biệt điện vua Bảo Đại tọa lạc trên ngọn đồi cao 422 m so với mặt nước biển – nơi vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn đã ở để nghỉ dưỡng và săn bắn…

Phía tây bắc hồ Lắk có dòng sông Krông Ana chảy qua, là ranh địa giới hành chính giữa huyện Lắk với huyện Krông Ana. Phía tây nam của huyện có dòng sông Krông Nô chảy qua, giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Nông. Phía đông là dãy Chư Yang Sin hùng vĩ che chắn cho mặt hồ bốn mùa phẳng lặng.

Người dân và du khách đến xem và cổ vũ cho một giải đua thuyền truyền thống trên hồ Lắk. Ảnh: Hữu Hùng

Nằm cạnh hồ Lắk là buôn Jun và buôn Lê với những ngôi nhà dài truyền thống nép mình hiền hòa dưới bóng cây cổ thụ. Nơi đây cũng được danh truyền là làng nuôi voi nổi tiếng từ nhiều đời nay. Bên kia hồ là buôn cổ M’liêng – nơi vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của người M’nông. Đến với những buôn làng bên hồ Lắk thơ mộng, du khách sẽ được khám phá những điểm du lịch đầy ấn tượng, mang nét đẹp văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên.

Đến với du lịch hồ Lắk, du khách sẽ được tham gia các hoạt động trải nghiệm thân thiện với voi, chèo thuyền độc mộc, dịch vụ bơi thuyền độc mộc, trải nghiệm văn hóa cồng chiêng, trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm, tham quan Biệt điện của vua Bảo Đại; thưởng thức các món ăn truyền thống như cơm lam, canh cà đắng, chả cá thát lát, cá bống hồ Lắk, canh thụt, uống rượu cần trong nhà dài của người M’nông Rlăm…

Đồng bộ hạ tầng ven hồ để phát triển du lịch

Để thu hút khách du lịch, thời gian gần đây, tỉnh Đắk Lắk nói chung và huyện Lắk nói riêng đang tập trung các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, cải tạo cảnh quan xung quanh hồ Lắk để phục vụ tốt hơn người dân và du khách khi tham quan hồ Lắk. Theo đó, nhiều công trình, dự án được đầu tư mới hoặc nâng cấp, cải tạo đã và đang góp phần thay đổi diện mạo hồ Lắk, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

Hoàn thành giai đoạn 1 xây dựng đường giao thông nối từ buôn cổ M’liêng, xã Đắk Liêng đi quanh hồ Lắk và điểm khu du lịch Resort Lak Tened Camp, hiện giai đoạn 2 đang triển khai các thủ tục để thi công trong năm nay. Đầu tháng 4/2024, địa phương tổ chức khởi công dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực trung tâm điểm du lịch hồ Lắk với tổng mức đầu tư trên 130 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là cải tạo, nâng cấp hạ tầng phục vụ phát triển du lịch tại trung tâm điểm du lịch hồ Lắk, cải tạo cảnh quan ven hồ và góp phần ổn định cuộc sống cho người dân trong phạm vi quy hoạch.

Advertisement

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lắk Nay Y Phú cho biết, với nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XV đã xây dựng Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 13/10/2020 về “Tập trung huy động các nguồn lực nhằm xây dựng và phát triển huyện Lắk trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk vào năm 2030”. Trên cơ sở đó, huyện luôn chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, phát huy nội lực, huy động ngoại lực nhằm kêu gọi đầu tư nhằm thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Bên cạnh việc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm đồng bộ kết nối các khu đô thị, các điểm du lịch, mới đây địa phương đã phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch khai trương, đưa vào hoạt động điểm thông tin văn hóa và du lịch huyện Lắk tại địa chỉ 268 Nguyễn Tất Thành, thị trấn Liên Sơn. Đây sẽ là nơi quảng bá du lịch, hỗ trợ thông tin cho du khách về các sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương; góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

Nguồn thông tin được tham khảo từ: baodaklak
Nội dung được biên tập bởi: buonmathuot_.info

Advertisement

About admin

Check Also

Doanh thu hoạt động du lịch huyện Lắk đạt gần 16,6 tỷ đồng

Trên địa bàn huyện Lắk, hoạt động du lịch năm 2024 phát triển tích cực, …