Ngân hàng thắt tín dụng, doanh nghiệp và người trồng cà phê điêu đứng

Việc hạn chế mức tín dụng đã khiến cho không ít doanh nghiệp, HTX và người dân ở Tây Nguyên chồng chất khó khăn trong vụ thu hoạch cà phê năm nay.

Khó khăn trong nguồn vốn, các công ty đẩy nhanh việc sơ chế cà phê giao cho khách hàng nhằm sớm thu về dòng tiền. Ảnh: Minh Quý.

Xem thêm: Sau niên vụ xuất khẩu kỷ lục, cà phê bước vào giai đoạn khó khăn

Doanh nghiệp “ngồi trên lửa” vì khát vốn

Cà phê đang bước vào vụ thu hoạch, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp đang tăng cao nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện rất khó tiếp cận được nguồn vốn do ngân hàng hết hạn mức tín dụng.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Ia Châm (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) mấy ngày nay như ngồi trên đống lửa khi khách hàng liên tục gọi điện yêu cầu thanh toán các khoản kinh phí trong mua bán cà phê. Chưa có tiền thanh toán, ông Tuấn hẹn lần hẹn lượt với khách hàng, mặt khác tìm cách xoay vòng vốn.

Mọi năm, thời điểm thu hoạch cà phê, các ngân hàng thoải mái cho các doanh nghiệp vay vốn thu mua cà phê cho người dân để chế biến phục vụ cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Tuy nhiên, trước vụ thu hoạch cà phê năm nay, ngân hàng đã thắt tín dụng khiến các doanh nghiệp không thể giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch. Điều này khiến cho hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa tìm ra lối thoát.

Ông Tuấn cho biết, mọi năm, Công ty vẫn thường xuyên giao dịch với Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Ia Grai. Tuy nhiên, năm nay Công ty được ngân hàng thông báo vốn vay sử dụng trong thu mua cà phê là không còn, trong khi hạn mức Công ty được vay gần 10 tỷ đồng.

Cũng theo ông Tuấn, hiện tại kinh phí trả cho các hộ dân nhận khoán trồng cà phê gặp rất nhiều khó

khăn, còn khách hàng giao dịch mua bán cà phê với Công ty cũng đang phải khất nợ. Nếu trong thời gian tới ngân hàng không giải ngân, Công ty đành phải tạm ngưng giao dịch mua bán, thu mua cà phê.

“Hơn 2 tuần nay, phía ngân hàng xem như chịu thua rồi, giờ Công ty chỉ biết lấy tiền bán hàng để xoay sở. Tuy nhiên, việc bán hàng hiện cũng không thu được tiền do khách hàng cũng khất nợ”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Tuấn cho biết, mùa vụ cà phê năm nay, Công ty giao dịch khoảng 6.000 tấn tươi, với giá thời điểm hiện tại khoảng 8.600 đồng/kg. Như vậy, Công ty cần có khoản kinh phí ít nhất 20 tỷ đồng để luân chuyển nguồn vốn phục vụ cho mùa vụ thu hoạch cà phê năm nay.

“Cả năm, doanh nghiệp và người dân chỉ trông chờ vào vụ thu hoạch cà phê dịp cuối năm. Chính vì vậy, rất mong các ngân hàng xem xét, tạo điều kiện giải quyết vốn vay để luân chuyển nguồn hàng, nếu không doanh nghiệp sẽ đóng băng”, ông Tuấn đề nghị.

Tại Kon Tum, nhiều doanh nghiệp cũng chẳng khá hơn khi không thể huy động vốn từ các ngân hàng để thu mua cà phê của người dân. Chị Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Nguyên Huy Hùng (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) cho biết, vào thời điểm này hàng năm, Công ty đều thu mua khoảng 5.000 tấn cà phê nhân phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, nên cần nguồn vốn rất lớn.

Nếu như mọi năm, ngân hàng không thắt tín dụng thì Công ty không phải vội trong việc thu mua cà phê tươi để sơ chế ra nhân giao cho khách hàng. Năm nay thì khác, Công ty thu mua cà phê sẽ phải cầm chừng hơn. Đồng thời, rút ngắn quá trình sấy cà phê để giao cho khách hàng thu về dòng tiền cho Công ty.

“Trước đó, các ngân hàng vẫn cho vay vốn, nhưng từ đầu tháng 10 đến nay, doanh nghiệp muốn vay phải đăng ký nguồn vốn từ các gói vay nên sẽ bị hạn chế hơn so với các năm. Việc thắt tín dụng tuy không bị ảnh hưởng nhiều đối với lĩnh vực thu mua hàng nông sản nhưng cũng bị hạn chế trong việc thu mua cà phê so với các năm trước”, Chị Tuyết cho biết.

Cà phê đang bước vào thu hoạch, các doanh nghiệp đang rất cần nguồn vốn để thu mua cho người dân. Ảnh: Tuấn Anh.
Cà phê đang bước vào thu hoạch, các doanh nghiệp đang rất cần nguồn vốn để thu mua cho người dân. Ảnh: Tuấn Anh.

Xem tiếp: Hối hả thu hoạch cà phê, nín thở chờ giá!

Cần có cơ chế riêng cho ngành cà phê

Lãnh đạo một công ty cà phê trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) cho biết, hiện tại đang vào mùa cao điểm thu mua cà phê, người dân đang nhập cà phê về cho công ty. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang bế tắc dòng tiền. Về cuối năm, lượng thu hoạch cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên rất nhiều nên doanh nghiệp cần nguồn vốn càng lớn. Việc thắt chặt tín dụng như hiện nay, cộng với giá cà phê ngày càng xuống thấp khiến các doanh nghiệp càng thêm điêu đứng.

“Các tỉnh Tây Nguyên có đặc thù riêng, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào ngành hàng cà phê. Đặc biệt, thời điểm cuối năm lượng thu hoạch cà phê rất lớn, vì vậy cần có cơ chế riêng cho các tỉnh Tây Nguyên được vay vốn để giao dịch mua bán cà phê, ổn định đời sống kinh tế”, vị lãnh đạo này cho biết.

Advertisement

Không chỉ doanh nghiệp, bản thân các HTX cũng như người dân đang chịu ảnh hưởng bởi nguồn vốn vay. Ông Nguyễn Tấn Duy, Giám đốc HTX Xây dựng – Thương mại và Dịch vụ Phượng Hoàng (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) cho biết, vào vụ thu hoạch, HTX rất cần vốn để thu mua cà phê cho người dân nhưng các ngân hàng không cho vay, giờ gặp rất nhiều bế tắc.

“Hiện HTX đang cần vay khoảng 10 tỷ đồng để mua cà phê tích trữ phục vụ cho chế biến. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Đức Cơ có 4 ngân hàng thì không đơn vị nào cho vay khiến HTX gặp rất nhiều khó khăn”, ông Duy bộc bạch.

Theo ông Duy, không vay được vốn, HTX phải sử dụng nguồn vố tự có nhưng rất hạn hẹp, nên việc thu mua cà phê cho người dân không được nhiều. Nếu có vốn lớn, HTX thông thường sẽ thu mua cà phê cho người dân giá cao hơn so với thị trường. Còn hiện tại, người dân phải bán cho các thương lái nên bị ép giá, ảnh hưởng rất nhiều đến lợi nhuận vụ thu hoạch cà phê năm nay của nông dân.

Ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho biết, việc thắt tín dụng khiến những doanh nghiệp cà phê đúng vụ không được các ngân hàng giải ngân tín dụng và gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, hiện nay lãi suất cao nên doanh nghiệp sử dụng cà phê tới đâu thì mua tới đó, không dự trữ như những năm trước. Từ đó, dẫn đến cà phê bị ép giá.

Theo ông Hiệp dự đoán, giá cà phê sẽ giảm còn dưới 40 ngàn đồng/kg và tùy theo lãi suất. Theo đó, nếu lãi suất càng tăng thì giá cà phê càng giảm. Nếu giá cà phê dưới 40 ngàn đồng/kg thì người trồng lãi không bao nhiêu. Lý do, năm nay chi phí vật tư rất cao, phí nhân công cũng cao, lãi suất cũng cao. Hơn nữa, không có tín dụng thì doanh nghiệp cũng không mặn mà mua hàng dự trữ.

“Mọi năm, ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn để mua hàng, còn năm nay không có tiền để mua cà phê, dẫn đến lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu là rất nhiều”, ông Hiệp chia sẻ.

Niên vụ cà phê năm nay, năng suất có tăng so với niên vụ trước khoảng 12- 15%, cộng với giá thời điểm này khoảng 40.500 đồng/kg cà phê nhân. Tuy nhiên, giá vật tư nông nghiệp lại tăng cao, cùng với đó là giá nhân công thu hoạch cũng tăng hơn vụ trước. Theo đó, vụ thu hoạch cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên đang gặp không ít khó khăn, người dân thu về lợi nhuận không đáng kể.

Liên quan: Chính sách thuế đang “trói” ngành cao su

Advertisement

About admin

Check Also

Giá cà phê ngày 08/5: Dự báo lượng mưa Brazil bị hạn chế, giá Arabica tăng

Cà phê arabica tháng 7 giao dịch hôm thứ Ba đóng cửa tăng 1,45 cent/pound …