Nhọc nhằn nghề cạo mủ cao su khi “vàng trắng” qua thời hoàng kim

Hiện nay, cây cao su không còn được ví là “vàng trắng” như trước đây, bởi giá mủ cao su đã giảm đi rất nhiều. Thế nhưng, mùa này, giữa đêm đen vẫn có hàng ngàn người dân ở Đắk Nông đầu đội đèn pin, chân lội suối, băng rừng… đi khai thác mủ cao su giữa đêm đen.

Người nông dân lầm lũi khai thác mủ cao su giữa đêm đen. Ảnh: Phan Tuấn

Lầm lũi làm việc giữa đêm đen

Khi mùa mưa đến (từ tháng 3 âm lịch kéo dài đến hết Tết Nguyên đán) là thời gian người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông bước vào vụ thu hoạch mủ cao su.

Khoảng 1h sáng, khi nhiều người đang say giấc ngủ thì ông Lê Công Đầu, ở huyện Đắk R’lấp cùng các thành viên trong độ tuổi lao động của gia đình chuẩn bị dụng cụ lên đường vào rừng tiến hành cạo mủ hơn 7ha cao su.

Dụng cụ gia đình ông Đầu mang theo rất đơn giản, chỉ có dao cạo, găng tay, ủng và đèn pin đội đầu. Theo ông Đầu, muốn có nhiều mủ cao su thì người nông dân phải làm việc giữa đêm khuya, giá lạnh.

Mùa này, trời nhanh sáng, các thành viên trong gia đình ông Đầu phải tranh thủ đi làm sớm hơn; cuối năm thì khoảng 2 – 3 giờ sáng mới bắt đầu công việc. Để thuận lợi trong công việc, người thợ cạo mủ phải mang theo hương trầm vừa làm, vừa đốt để đuổi muỗi vằn.

“Nguy hiểm nhất của nghề cạo mủ cao su là có lần tôi bị rắn cắn vào chân nhưng rất may không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Từ đó trở về sau, mỗi khi đi khai thác mủ tôi thường đánh động các bụi cây cho động vật nguy hiểm tránh xa rồi mới tiến hành cạo mủ ở vị trí đó” – ông Đầu cho hay.

Anh Hoàng Văn Hợp ở huyện Krông Nô cho hay, nghề cạo mủ cao su vất vả, chuyện gặp rắn, bọ cạp cắn là điều hết sức bình thường.

Cũng vì làm việc trong bóng tối, lại dưới cánh rừng rậm rạp nên người thợ nào không đủ sức khỏe thì gắng lắm chỉ tồn tại được vài năm trong nghề. Thậm chí, có người mới đi làm, còn vô tình rơi xuống giếng cạn nằm trong rẫy cao su.

“Mỗi đêm, tôi cạo khoảng 500 gốc cao su cho nên chỉ đi bộ quanh rừng thôi cũng mệt lắm rồi. Nhiều lúc, không khí loãng nên khó thở lắm. Lúc đó, người làm nghề khai thác mủ cao su phải tìm chỗ thoáng để nghỉ ngơi, lấy lại hơi đôi chút rồi mới có thể tiếp tục công việc” – anh Hợp cho hay.

Điều đáng nói, nghề cạo mủ cao su không chỉ vất vả vào ban đêm. Bởi khi trời bừng sáng, những người thợ còn phải tiếp tục với công việc trút mủ cao su vào thùng đem về.

Advertisement
Làm việc giữa đêm khuya nên công việc cạo mủ cao su của người dân đối diện với nhiều nguy hiểm. Ảnh: Phan Tuấn

“Vàng trắng” qua thời vàng kim

Theo những người trồng cao su, hơn 20 năm trước, khi giá mủ còn cao thì người trồng cao su hoặc người làm nghề khai thác mủ có cuộc sống ổn định, thậm chí rất khá giả. Thế nhưng, kể từ khi “vàng trắng” rớt giá thì cuộc sống của họ cũng bấp bênh hơn.

Thời điểm này, các thương lái đang thu mua giá mủ cao su ở Đắk Nông là 10.000 – 11.000 ngàn đồng chén đông để qua đêm; còn mủ nước có giá 230.000 – 240.000 đồng/1độ. Mức giá mủ như thế này thì người dân chỉ có mức thu nhập bình thường.

Chị Võ Thị Thủy (35 tuổi), trú Bình Phước từng có nhiều năm theo nghề cạo mủ thuê cho những cánh rừng cao su bạt ngàn ở huyện Krông Nô. Người phụ nữ này cho biết, dẫu nghề cạo mủ vất vả, thức trắng mỗi đêm nhưng nếu không làm thì không có thu nhập.

Nghề cạo mủ cao su không đòi hỏi trình độ, đối với những lao động phổ thông như chị Thủy thì chỉ cần có công việc là được. Chị chấp nhận vất vả, khó khăn như một phần tất yếu trong cuộc sống mưu sinh. “Cả nhà chỉ trông chờ vào tiền cạo mủ thuê nên bấp bênh lắm” – chị Thủy cho hay.

Công việc vất vả, thời gian khai thác mủ cao su kéo dài khoảng 8 tháng và bắt đầu từ khi trời chưa sáng. Thế nên, thương nhất là những đứa nhỏ sẽ theo chân cha mẹ đến ở ngay rừng cao su để thuận lợi cho việc khai thác mủ.

Có những gia đình, con cái nghỉ hẳn việc đến trường để đi thu hoạch mủ, mót mủ khô phụ giúp bố mẹ mưu sinh qua ngày.

Advertisement

About admin

Check Also

Giá cà phê ngày 19/4/2024 | Thị trường lao dốc khi có áp lực thanh lý vị thế mua

Cà phê arabica tháng 5 giao dịch vào thứ Năm đóng cửa giảm 8,10 cent/pound …