Ngoài điệp khúc được mùa mất giá hay được giá mất mùa, những năm gần đây chi phí đầu tư tăng mạnh khiến người trồng cà phê ở Gia Lai chịu tổn thất nặng nề. Trước thực trạng này, một bộ phận nông dân đã nâng tầm giá trị sản phẩm cà phê nhằm tạo thị trường tiêu thụ bền vững.
Cây cà phê từ lâu được biết đến là loại cây trồng chủ lực của Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây người trồng cà phê luôn phải gánh chịu điệp khúc được mùa mất giá và ngược lại. Đặc biệt, giá cả thì bấp bênh trong khi chi phí đầu tư, phân tro lại liên tục tăng mạnh.
Những hạt cà phê của người nông dân vất vả làm ra phải trải qua rất nhiều khâu trung gian khiến cho thu nhập bị giảm. Cũng bởi vậy, nhiều người dân từng gắn bó lâu năm với cây cà phê cũng không còn thiết tha, sẵn sàng phá bỏ dòng cây chủ lực đi tìm loại cây mới thay thế.
Thế nhưng, một bộ phận nông dân lại có suy nghĩ khác. Từ đam niềm với hạt cà phê, nhiều thanh niên trẻ ở Gia Lai đã dày công nghiên cứu, mày mò chế biến ra những loại cà phê, mang hương vị đậm đà. Việc này không những giúp cho những hạt cà phê này trở nên giá trị mà còn tạo được thị trường tiêu thụ bền vững.
Một trong những phương pháp được nhiều nông dân ở Gia Lai lựa chọn để nâng tầm giá trị hạt cà phê điển hình là: Chế biến tự nhiên (natural), chế biến ướt (washed/wet) và đặc biệt là chế biến mật ong (honey/ved honey).
Tùy theo nhu cầu ưa chuộng của thị trường, anh Trịnh Xuân Sơn (SN 1994, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, Gia Lai) sẽ sử dụng nhiều phương pháp chế biến cà phê khác nhau. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, năm 2023 anh Sơn đã tập trung vào sản phẩm chế biến tự nhiên và chế biến mật ong.
Chia sẻ về các phương pháp chế biến, nâng tầm giá trị của hạt cà phê, anh Sơn cho hay: “Khi chế biến theo phương pháp natural, mình sẽ chọn 100% quả chín rồi ủ trong túi nilon khoảng từ 3 đến 7 ngày để lên men. Việc làm này giúp lưu giữ được hương vị tự nhiên nhất của cà phê. Khi đã ủ đủ thời gian, cà phê sẽ được lên giàn phơi, khi độ ẩm vừa đủ thì tách vỏ. Lúc này chúng ta sẽ thu được những hạt cà phê nhân hảo hạng với mùi vị nồng nàn, đặc biệt”.
Theo anh Sơn, hiện nay giá cà phê nhân dao động khoảng 40.000 đồng/kg thì khi chế biến ra cà phê natural sẽ có giá khoảng 150.000 – 170.000 đồng/kg. Như vậy, với phương pháp này người nông dân sẽ lãi gấp nhiều lần so với việc bán cà phê nhân thường.
Trung bình mỗi năm, anh Sơn chế biến ra khoảng 15 – 20 tấn cà phê nhân, tùy vào lượng khách đặt hàng. Thay vì luôn phải phập phồng nỗi lo giá cà phê lên xuống thất thường thì nay anh Sơn đã làm chủ thị trường tiêu thụ.
Tương tự anh Sơn, nhằm nâng tầm giá trị hạt cà phê, anh Vương Đình Đức (trú tại huyện Ia Grai, Gia Lai) đang dành khoảng 150 tấn cà phê tươi để chế biến theo các phương pháp honey, ved honey và natural…
Anh Đức hướng dẫn: “Để chế biến ra những phương pháp này thì yêu cầu cà phê trái chín, đủ lượng đường, kỳ công trong quá trình lên men, kiểm soát thời gian phơi dàn nhằm cho cà phê đạt đúng độ ẩm. Khi thưởng thức những hạt cà phê này sẽ cảm nhận như mùi của rượu vang hoặc mật ong… Chế biến theo các phương pháp honey, chế biến ướt có thể giảm được thời gian phơi, sự bấp bênh của thị trường và đặc biệt là chất lượng cà phê lại được nâng lên rất nhiều”.
Ông Phan Đình Thắm – Trưởng phòng NNPTNT huyện Ia Grai thông tin, những năm gần đây, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chế biến cà phê sau khi thu hoạch đã cho ra những hạt cà phê chất lượng, mang lại giá trị cao.
“Nhằm khắc phục vấn đề về giá cả bấp bênh hay đầu ra còn hạn chế nhiều nông dân đã sử dụng nhiều phương phảo nhằm tạo ra sản phẩm cà phê chất lượng cao, mang lại thu nhập ổn định, tuy nhiên hình thức này còn nhỏ lẻ, tự phát. Vì vậy, huyện đang xây dựng kế hoạch nhằm tạo ra những vùng trồng để sản xuất ra nhiều loại cà phê đặc sản, tạo ra chuỗi liên kết. Đồng thời cũng hỗ trợ cho bà con về những kiến thức trong việc chăm sóc và chế biến sau khi thu hoạch”, ông Thắm cho biết thêm.
Xem thêm:
- Gia Lai tập trung phát triển cà phê đặc sản
- Nỗ lực xuất ngoại cà phê đặc sản Việt Nam
- Cà phê hữu cơ Việt Nam khởi sắc, kỳ vọng tạo dấu ấn quốc tế