Trung Quốc trồng vải, chuối, thanh long sản lượng cả triệu tấn/năm: Lo cho nông sản Việt

Các sản phẩm nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc đang ngày càng chịu sức ép cạnh tranh khi nước này trồng nhiều loại quả cùng loại mà chúng ta có ưu thế.

Ngày 28-4, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4-2023 với chủ đề: “Triển vọng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới”, do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì.

Nông sản Việt Nam có thế mạnh được Trung Quốc trồng với quy mô lớn

Ông Nguyễn Duy Phú – trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Quảng Châu – cho biết hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc đang bị cạnh tranh ngày càng gay gắt với các sản phẩm cùng loại.

Bởi hiện nay, Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh sản xuất, trồng trọt các sản phẩm cùng loại mà Việt Nam có ưu thế như thanh long, cà phê, cao su, sầu riêng, chanh leo…

Chỉ riêng tại tỉnh Quảng Đông, có một số sản phẩm có sản lượng cụ thể: vải thiều là 1,5 triệu tấn/năm, nhãn là 1 triệu tấn/năm, chuối là 4,8 triệu tấn/năm, thanh long là 380.000 tấn/năm, xoài là trên 200.000 tấn/năm, chanh leo là 220.000 tấn/năm. Diện tích và sản lượng các loại trên của Quảng Đông hoặc lớn hơn Việt Nam, hoặc đang tăng trưởng mạnh.

Tuy vậy, ông Nguyễn Tuấn Anh – phụ trách chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Vân Nam – cho hay các sản phẩm nông, thủy sản của hai nước có khác biệt về thu hoạch, thời tiết, nên Trung Quốc vẫn có nhu cầu cao nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam.

Vân Nam là cửa ngõ chuyển nông sản, thủy hải sản. Hằng năm chi nhánh thương vụ thường xuyên quảng bá nông sản Việt Nam, kết nối nhu cầu giữa hai bên.

Nhờ vậy, năm 2022 quy mô thương mại của riêng tỉnh Vân Nam với Việt Nam chiếm tới 5% kim ngạch thương mại biên giới Việt Nam với Trung Quốc.

Khai thác lợi thế từ hàng hóa có tính bổ sung

Bà Triệu Thúy Nga, trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh, cũng cho hay thương mại hai bên có tính bổ sung nhau. Cộng thêm những ưu thế thuận lợi trong vận tải, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Trùng Khánh, nên sẽ tạo cơ hội thúc đẩy giao thương.

Advertisement

Bà Nga thông tin thêm, để thúc đẩy đưa sản phẩm hàng hóa, hàng nông sản vào thị trường Trùng Khánh, các doanh nghiệp có thể nghiên cứu hợp tác với chợ đầu mối lớn. Bao gồm chợ đầu mối nông sản Shuangfu chuyên kinh doanh nông, thủy sản với lượng giao dịch 6-10 triệu tấn/năm có tổng giá trị 30-50 tỉ CNY (4-7 tỉ USD).

Hai là chợ đầu mối San Ke nằm phía đông Trùng Khánh với lượng giao dịch khoảng 5 triệu tấn/năm có tổng giá trị đạt khoảng 30 tỉ CNY (trên 4 tỉ USD).

Bà Nga cho biết thêm, phía Trung Quốc rất mong muốn được gặp gỡ, làm việc với doanh nghiệp Việt Nam, tìm đầu mối cung ứng trực tiếp tránh được các khâu trung gian, giảm chi phí giá thành. Do đó, doanh nghiệp có nhu cầu có thể đến khảo sát để trao đổi hợp tác.

Trung Quốc cũng dự kiến sẽ tổ chức đoàn sang Việt Nam trong quý 2 và quý 3 năm nay để tìm kiếm đối tác, nhà cung ứng trực tiếp.

>> Trung Quốc tự trồng sầu riêng, Thái Lan và Việt Nam bị đe dọa

Advertisement

About admin

Check Also

Giá cà phê ngày 19/4/2024 | Thị trường lao dốc khi có áp lực thanh lý vị thế mua

Cà phê arabica tháng 5 giao dịch vào thứ Năm đóng cửa giảm 8,10 cent/pound …