Cà phê hữu cơ Việt Nam khởi sắc, kỳ vọng tạo dấu ấn quốc tế

Việt Nam, nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới, sắp thay đổi cuộc chơi cà phê hữu cơ, Fast Company nhận định.

Sản phẩm hữu cơ được khuyến khích

Nhiều người có thể không biết Việt Nam sản xuất cà phê nhưng chắc chắn từng uống cà phê. Ngay cả những tên tuổi lớn nhất trong ngành cà phê cũng có một lượng đáng kể hàng từ Việt Nam, tác giả bài viết Debbie Wei Mullin – nhà sáng lập Copper Cow Coffee – cho hay.

Việt Nam từng cung cấp 0,5% lượng cà phê trên thế giới vào năm 1984 và tăng lên hơn 18% vào năm 2020. Việt Nam hiện là nhà sản xuất cà phê robusta hàng đầu thế giới – một trong hai loại cà phê chính thống trị ngành cà phê toàn cầu.

Robusta phục vụ ngành cà phê toàn cầu như một loại cà phê “độn” được thêm vào một cách bí mật để giảm chi phí. Robusta thường được bán với giá thấp hơn một nửa so với cà phê arabica. Trong 30 năm qua, chính phủ Việt Nam đã khuyến khích nông dân trồng và xuất khẩu cà phê thông qua cung cấp mọi thứ từ trợ giá đầu vào nông nghiệp như cây giống và phân bón cho đến đất đai giá rẻ.

Khi mở công ty cà phê cao cấp Copper Cow Coffee tập trung vào việc thúc đẩy các hoạt động chuỗi cung ứng bền vững vào năm 2016, Debbie Wei Mullin không thể tìm được dù chỉ một trang trại cà phê được chứng nhận hữu cơ ở Việt Nam. Tuy nhiên, bà cho hay, nhận thức của thế giới về cà phê Việt Nam đang thay đổi, đặc biệt là nơi tiêu dùng cà phê hữu cơ và cà phê đặc sản lớn nhất thế giới: Mỹ.

Trang trại cà phê ở tỉnh Gia Lai, Việt Nam. Ảnh: AFPTrang trại cà phê ở tỉnh Gia Lai, Việt Nam. Ảnh: AFP
Trang trại cà phê ở tỉnh Gia Lai, Việt Nam. Ảnh: AFP

Ngoài ra, tầng lớp trung lưu đang phát triển của Việt Nam quan tâm đến sức khỏe hơn và đòi hỏi nhiều sản phẩm hữu cơ, cao cấp hơn. Những xu hướng này, cùng với đó là các chính sách của chính phủ khuyến khích đầu ra hữu cơ, thúc đẩy nông dân trồng cà phê chuyển sang sản xuất hữu cơ.

Việt Nam sẽ tiếp bước các nền kinh tế mới nổi châu Á lân cận như Trung Quốc, vốn đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để trở thành nhà sản xuất chính các sản phẩm hữu cơ và tận dụng nhu cầu toàn cầu đang tăng nhanh. Điều này sẽ làm cho cà phê hữu cơ dễ tiếp cận hơn bao giờ hết.

Debbie Wei Mullin cho hay, trong hơn 20 năm qua, bà thường xuyên đến Việt Nam. “Tôi đã làm mọi thứ, từ tài chính vi mô trong nông nghiệp đến phát triển đường cao tốc nông thôn nhằm theo đuổi một mục tiêu: Làm thế nào để tạo ra những cơ hội tốt hơn ở Việt Nam” – bà cho biết.

Theo Debbie Wei Mullin, trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Khi nền kinh tế Việt Nam phát triển, tầng lớp trung lưu quan tâm đến sức khỏe sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm hữu cơ. Nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đã tăng gấp 4 lần từ năm 2016 đến năm 2020 và phải vật lộn để theo kịp nhu cầu. Riêng năm 2020, xuất khẩu hữu cơ từ Mỹ sang Việt Nam cũng tăng gấp 4 lần.

Sản xuất hữu cơ của Việt Nam được dự báo sẽ phát triển khi nông dân hiểu biết hơn về các phương pháp canh tác hữu cơ, giá cả và lợi ích sức khỏe mà canh tác hữu cơ mang lại cho cá nhân và đất đai của nông dân.

Chứng nhận hữu cơ USDA của Mỹ là chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ nghiêm ngặt nhất, yêu cầu canh tác không sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hoặc thuốc diệt nấm – mang lại lợi ích về đa dạng sinh học và chất lượng đất, giảm ô nhiễm và tốt hơn cho sức khoẻ người tiêu dùng. Những lợi ích này thúc đẩy nhu cầu của thế giới với các sản phẩm hữu cơ, tăng từ 57,2 tỉ USD năm 2010 lên 178,4 tỉ USD năm 2021 và con số này dự kiến tăng lên 497 tỉ USD năm 2030.

Advertisement

Cơ hội từ thị trường cà phê hữu cơ

Năm 2022, thị trường cà phê hữu cơ là 8,9 tỉ USD và dự kiến tăng lên 28,8 tỉ USD năm 2030, chủ yếu được thúc đẩy bởi thị trường Mỹ (được định giá 3,4 tỉ USD vào năm 2020).

Debbie Wei Mullin chỉ ra, trong nhiều năm, cà phê robusta và cà phê Việt Nam bị coi là loại kém chất lượng hơn, khiến những người tiêu dùng kén chọn hơn sẵn sàng bỏ ra mức giá cao hơn 47% cho các sản phẩm được chứng nhận hữu cơ.

Nhưng thời thế đã thay đổi và thế giới đang hiểu rằng, cà phê robusta vốn dĩ không thua kém arabica. Tờ New York Times gọi đây là tương lai của cà phê Việt Nam. Những người sành cà phê nhất cũng đăng ký mua cà phê Việt Nam và khách hàng có thể tìm thấy nhiều loại cà phê Việt Nam trong các cửa hàng từ Whole Foods đến Sprouts đến Walmart.

Arabica đã được hưởng lợi từ nhiều năm đầu tư vào cải tiến chất lượng, ví dụ như tiêu chuẩn đo lường độ chín của cà phê trước khi thu hoạch – hành trình mà cà phê robusta chỉ mới bắt đầu ở quy mô lớn.

Nhưng cà phê robusta có nhiều thế mạnh, bao gồm cả vị đậm đà của mocha và hạt dẻ, rất phù hợp để rang đậm và kích thước hạt lớn hơn khiến cho việc trồng rẻ hơn.

Robusta cũng là loại cây có khả năng chống chịu khí hậu, có hàm lượng caffein cao có thể ngăn chặn hầu hết loài gây hại – những yếu tố hoàn hảo cho việc chuyển đổi sang hữu cơ. Điều đó có nghĩa là khi được chứng nhận hữu cơ, cà phê hữu cơ cao cấp sẽ rẻ hơn bao giờ hết.

Cà phê Việt Nam sẽ sớm không còn phải ẩn trong cốc của người tiêu dùng nữa mà sẽ là một phần trong toàn bộ danh mục của thị trường cà phê hữu cơ và cao cấp” – nhà sáng lập Copper Cow Coffee tin tưởng.

Xem thêm:

Advertisement

About admin

Check Also

Qua thời cà phê giá rẻ

Thị trường cà phê đang ở trong giai đoạn sốt giá, tập trung vào Robusta …