Các biện pháp cấm vận nhằm ngăn cản cuộc chiến ở Đông Âu khiến các thị trường hàng hóa thế giới diễn biến phức tạp, khó lường…
Biểu đồ Robusta London T5/2022 phiên ngày 04/03/2022
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 25 USD, lên 2.038 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 22 USD, lên 2.013 USD/tấn, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 1,35 cent, lên 224,25 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 cũng tăng 1,35 cent, lên 223 cent/lb, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 400 – 500 đồng, lên dao dộng trong khung 38.400 – 39.000 đồng/kg.
Giá cà phê trên cả hai sàn kỳ hạn thế giới vừa có phiên hồi phục cuối tuần như đã dự đoán cùng với các sàn hàng hóa nông sản nói chung. Trong khi giá vàng, giá dầu thô tiếp nối đà tăng nóng và chứng khoán Mỹ tiếp tục sụt giảm do lo ngại cuộc chiến “xâm lược” của Nga chưa hề dịu bớt, cho dù đã có những vòng đàm phán đã diễn ra.
Chính phủ Brasil đã báo cáo xuất khẩu cà phê nhân trong tháng 2 tăng 290.200 bao, tức tăng 9,11% so với cùng kỳ năm ngoái, lên đạt 3.475.183 bao. Theo giới quan sát, số lượng cà phê nhân xuất khẩu trong tháng 2 là kết quả của vụ mùa năm ngoái cho sản lượng thấp theo chu kỳ “hai năm một” của Brasil và xuất khẩu tăng là do giá cả tại thị trường nội địa được cải thiện rất đáng kể.
Trong khi đó, Liên đoàn Cà phê Quốc gia (FNC) ở Colombia báo cáo xuất khẩu cà phê trong tháng 2 đã giảm 295.000 bao, tức giảm 23,14% so với cùng kỳ năm trước, xuống chỉ đạt 928.000 bao. Điều này đã góp phần lũy kế xuất khẩu trong 5 tháng đầu niên vụ cà phê hiện tại 2021/2022 đạt tổng cộng 5.341.000 bao, giảm 627.000 bao, tức giảm 10,51% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Anh Văn(giacaphe.com)